0966999612

5 thị trường chính nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam

08 tháng 05 năm 2023
- (0 bình chọn)0/5

Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU và Anh vẫn ở mức thấp, trong khi thị phần tại Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản khá cao.

5 thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn trên thế giới

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất trên toàn cầu. Bất chấp những ảnh hưởng bởi dịch bệnh, xung đột vũ trang Nga và Ukraine, nhưng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU trong năm 2022 vẫn tăng khá, đạt 24,4 tỷ euro (tương đương 26,8 tỷ USD), tăng 6,6% so với năm 2021. Tính đến tháng 1/2023, do tác động bởi lạm phát nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, nên trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU đạt 1,87 tỷ euro (tương đương 2,1 tỷ USD), giảm 6,8% so với tháng 1/2022.

Trong cơ cấu thị trường cung cấp, Việt Nam là nước cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 7 cho thị trường EU, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 2,8% trong năm 2022 và chiếm 3,4% trong tháng 1/2023.

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 thế giới. Thông tin từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ cho hay, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ trong năm 2022 đạt 25,4 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2021.

2 tháng đầu năm 2023, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn ở mức cao, điều này làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu trong đó có mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản của Hoa Kỳ vẫn trong giai đoạn trầm lắng, tác động tiêu cực tới nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ. Theo đó, trong ngắn hạn nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ tại Hoa Kỳ vẫn chưa thể cải thiện.

Trong cơ cấu thị trường cung cấp, Việt Nam đã trở thành thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ kể từ năm 2019, đến năm 2022 Việt Nam vẫn tiếp tục vị trí dẫn đầu.

Tỷ trọng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam khá cao, năm 2022 chiếm 36,3% tổng trị giá nhập khẩu và 2 tháng đầu năm 2023 chiếm 37,1%. Tỷ trọng tại Hoa Kỳ gia tăng, tất yếu sẽ gặp nhiều rủi ro và thách thức cao hơn về các vụ việc điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ.

Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm đến xuất xứ hàng hóa, nguyên liệu. Đồng thời chủ động nghiên cứu, đánh giá rủi ro, cũng như theo dõi các cảnh báo sớm về khả năng điều tra phòng vệ thương mại với các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.

Tiếp theo là thị trường Anh, năm 2022 nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh tăng nhẹ, bất chấp tình hình kinh tế chịu nhiều tác động. Nhu cầu tăng nhập khẩu là do người dân chi tiêu mạnh sau thời gian dài giãn cách.

Tuy nhiên, tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Anh khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân chậm lại vào nửa cuối năm 2022. Tính đến 2 tháng đầu năm 2023, xu hướng tiêu dùng cũng không mấy khả quan, do đó nhu cầu nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Anh giảm mạnh, đạt 670,8 triệu USD, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Anh là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 thế giới, nhu cầu nhập khẩu luôn ở mức cao, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,1% trong năm 2022 và chiếm 6,1% trong 2 tháng đầu năm 2023.

Trong 2 năm gần đây, thị trường Anh thiếu ổn định và đôi khi gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của Brexit, Covid-19, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ sang Anh nhờ ưu đãi của Hiệp định UKVFTA.

Canada và Nhật Bản cũng là 2 thị trường nhập khẩu chính đồ nội thất bằng gỗ trên toàn cầu. Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của 2 thị trường này từ Việt Nam cũng khá cao.

Theo Trung tâm Thương mại quốc tế, Canada và Nhật Bản đều là thành viên trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam có tham gia, ngoài ra giữa Việt Nam và 2 thị trường này đều đã ký kết Hiệp định thương mại riêng. Việc tận dụng triệt để các ưu đãi thuế quan mà các Hiệp định này mang lại góp phần thúc đẩy thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam gia tăng tại các thị trường này.

Nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, trong tháng 4/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 3,3% so với tháng 3/2023 và giảm 31,4% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,64 tỷ USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - nhận định, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong ngắn hạn vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, bởi lạm phát vẫn còn ở mức cao, dẫn tới người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, hiện, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, có nhiều tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới khu vực châu Âu, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ bởi nhu cầu thị trường lớn, nhưng Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Về phía Bộ Công Thương, Cục xuất nhập khẩu cho hay, trong 5 thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất trên toàn cầu là EU, Hoa Kỳ, Anh, Canada và Nhật Bản, thì tỷ trọng nhập khẩu của EU và Anh từ Việt Nam vẫn ở mức thấp, trong khi đó nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường này rất lớn. Do đó, vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác.

"Điển hình như thị trường EU, với nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trung bình đạt 23,1 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018 - 2022, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm trung bình 2,6% tổng trị giá nhập khẩu của EU trong giai đoạn này", Cục Xuất nhập khẩu dẫn chứng.

Nguồn : congthuong.vn