0966999612

Sản phẩm tôm Việt Nam chiếm thị phần cao nhất tại Hàn Quốc

10 tháng 05 năm 2023
- (0 bình chọn)0/5

Mỗi năm, Hàn Quốc nhập khẩu trên 100.000 tấn tôm với giá trị từ 800 triệu USD – 1 tỷ USD. Trong đó, sản phẩm tôm Việt Nam luôn chiếm thị phần cao nhất trên 50%.

 


 

Tôm là mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi hằng năm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chiếm từ 40 - 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành thủy sản. Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chiếm 14% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ, EU và Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của sản phẩm tôm Việt Nam.

Mỗi năm, Hàn Quốc nhập khẩu trên 100.000 tấn tôm với giá trị từ 800 triệu USD – 1 tỷ USD. Trong đó, tôm Việt Nam luôn chiếm thị phần cao nhất trên 50%.

Trong 5 năm (2018 - 2022), xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tăng trưởng khá ổn định từ 386 triệu USD năm 2018 lên 468 triệu USD năm 2022, tăng 21%. Đặc biệt, các sản phẩm tôm chân trắng xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2019 đến nay.

Năm 2022, Hàn Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ tôm ổn định, cộng với lợi thế khoảng cách vận chuyển gần, lạm phát không căng thẳng như các nước phương Tây. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2022 đạt 468 triệu USD, tăng 26% so với năm 2021.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc những tháng đầu năm nay 2023 đi theo xu hướng giảm chung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng, sức mua giảm. 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ đạt hơn 46 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với khó khăn về đầu ra cho sản phẩm do yếu tố cung – cầu, hiện con tôm Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt với con tôm Ấn Độ, Ecuador bởi thế mạnh của 2 nước này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ.

Đáng chú ý, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VKFTA là FTA song phương giữa Việt Nam - Hàn Quốc, thực thi từ năm 2015 đến nay, tưởng như tạo thuận lợi về thương mại và thuế quan nhập khẩu cho sản phẩm tôm Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin chi tiết từ các doanh nghiệp, thì sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị "vướng" quy định về hạn ngạch.

Đó là tình trạng Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua hạn ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14 -16% giá trị nhập khẩu. Nếu ngoài quota thì mức thuế nhập khẩu là 20%.

Việc này làm tăng giá và khó cạnh tranh ở thị trường. Hậu quả là các nhà nhập khẩu không còn động lực để tăng mua tôm Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định, và họ đang xem xét mua tôm từ các quốc gia khác như Peru, là nước được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% và không bị áp hạn ngạch...

Do đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát và kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam hoặc có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong VKFTA (giống như Peru).

Để củng cố, nâng cao thị phần tôm Việt Nam tại thị trường này, về phía Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đối với mặt hàng tôm tại thị trường Hàn Quốc như: tham dự một số hội chợ thủy sản uy tín như Hội chợ thủy sản quốc tế Seoul, Busan; Hội chợ thực phẩm Seoul Food…; tổ chức chuỗi hoạt động quảng bá, marketing, ăn thử sản phẩm chế biến từ tôm....

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, hỗ trợ chi phí logistic, chi phí tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này.

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đề nghị phía Hàn Quốc có các biện pháp tối ưu hóa cơ chế đấu thầu hạn ngạch tôm theo hướng giảm chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu tôm, nghiên cứu khả năng đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.

Về phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cung cấp, phổ biến thông tin chính xác, kịp thời tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong và ngoài nước.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cần triển khai ngay các chính sách quan tâm đến khách hàng nhập khẩu thường xuyên. Đồng thời phối hợp với đối tác nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc nghiên cứu xu hướng thị trường tiêu dùng, phát triển sản phẩm mới cũng như triển khai các chiến dịch marketing thường xuyên.... Đầu tư nâng cao công nghệ, dây chuyền sản xuất chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu.

Nguồn : congthuong.vn

Tư Vấn Vận Chuyển Logistics- Full Logistics Services

Hotline / Zalo: 0966 999 612

Email: sales@tuvanvanchuyen.vn

Find us on Facebook by searching: Tư Vấn Vận Chuyển – Logistics